Loading...
Skip to main content

Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

(03/03/2022 15:50)

Chiều ngày 02/3/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Hội nghị được kết nối đến 8 điểm cầu của Tòa án nhân dân cấp huyện. Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu trung tâm Tòa án nhân dân tỉnh có đồng chí Nguyễn Hữu Tuyến - Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, các đồng chí Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh. Tham dự Hội nghị còn có các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký và các Hòa giải viên Tòa án nhân dân tỉnh. Tại 08 điểm cầu Tòa án nhân dân cấp huyện có các đồng chí Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký và các Hòa giải viên cùng tham dự.

Trình bày dự thảo báo cáo sơ kết 01 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đồng chí Trần Hữu Sỹ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh nêu rõ: Ngay sau khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14 ngày 16/6/2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, Lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án nhân dân hai cấp trong năm 2021 và ban hành kế hoạch triển khai, ra văn bản chỉ đạo các Tòa án nhân dân cấp huyện xác định triển khai thi hành Luật trách nhiệm chính thuộc về Tòa án, do đó đã tổ chức quán triệt các nội dung của Luật và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo để triển khai ngay khi Luật có hiệu lực.

Việc thông báo tuyển chọn, bổ nhiệm Hòa giải viên được thực hiện đúng theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, sau khi tuyển chọn được các ứng viên để làm hồ sơ bổ nhiệm Hòa giải viên, các ứng viên đã được tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Hòa giải viên do Học viện Tòa án tổ chức. Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng tư vấn, lựa chọn hòa giải viên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định bổ nhiệm 28 ứng viên làm Hòa giải viên của Tòa án nhân dân hai cấp. Các Hòa giải viên đều đã được cấp thẻ theo đúng quy định. Từ khi triển khai thi hành Luật thì tất cả các trường hợp người dân đến nộp đơn khởi kiện tại Tòa án đã được bộ phận tiếp nhận đơn giới thiệu về hoạt động Hòa giải, đối thoại và thông báo về quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên để giải quyết tranh chấp, yêu cầu của mình trước khi giải quyết bằng thủ tục tố tụng.

Một trong những khó khăn ảnh hưởng đến việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại đó là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc lạc hậu. Hầu hết các Tòa án phải sắp xếp lại phòng làm việc của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký hoặc sử dụng phòng họp, phòng tiếp công dân, phòng nghị án, phòng chờ xét xử, hội trường... để bố trí phòng phục vụ cho hoạt động hòa giải, đối thoại. Đây là giải pháp tình thế vì những phòng này không đáp ứng yêu cầu về diện tích cũng như vị trí thuận lợi phục vụ hoạt động hòa giải, đối thoại. Trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án cơ bản chưa được trang cấp, hầu hết các Tòa án tận dụng bàn, ghế, tủ... cũ để bố trí tạm, do vậy, chưa đáp ứng được yêu cầu của việc tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đội ngũ Hòa giải viên mặc dù đều có hiểu biết về pháp luật và kinh nghiệm nhưng trình độ và kỹ năng hòa giải chưa đồng đều. Ngoài ra, còn một số quy định của Luật không rõ ràng, chưa được hướng dẫn nên nhiều trường hợp các Hòa giải viên và Thẩm phán đều lúng túng trong việc triển khai. Người dân chưa hiểu hết ý nghĩa tác dụng của việc hòa giải, đối thoại…Chính vì vậy, số lượng đơn đủ điều kiện hòa giải, đối thoại được đương sự đồng ý hòa giải chưa nhiều.

Sau 01 năm triển khai thi hành Luật, số lượng đơn khởi kiện, đơn yêu cầu mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện nhận được từ 01/01/2021 đến 31/12/2021 là 2.399 đơn. Đơn đủ điều kiện chuyển sang hòa giải, đối thoại 2.245 đơn, trong đó, Đương sự không đồng ý hòa giải: 1.743 đơn; Đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại: 502 đơn; Trong 502 đơn đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại, đã giải quyết 457 đơn, đạt tỷ lệ 91,04% (còn lại 45 đơn chưa giải quyết).

Các vụ việc được hòa giải thành của Tòa án hai cấp tỉnh Quảng Bình đều là các tranh chấp về hôn nhân gia đình, trong đó các bên đương sự đều thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tất cả các mối quan hệ, trong đó quan hệ hôn nhân đều đồng ý ly hôn, về con chung thỏa thuận giao con cho vợ hoặc chồng trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng, quan hệ tài sản hầu như không yêu cầu Tòa án giải quyết hoặc các đương sự tự giải quyết. Một số Tòa án có số lượng vụ, việc ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành cao như: Bố Trạch (156 vụ, việc), Đồng Hới (111 vụ, việc), Quảng Trạch (42 vụ, việc).

Hội nghị cũng đã được nghe các ý kiến kiến nghị, đề xuất của các đồng chí Chánh án, Thư ký phụ trách thụ lý, Hòa giải viên như: Cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, để người dân, cơ quan, tổ chức nắm bắt qua đó thấy được những mặt tích cực của thủ tục này để tham gia giải quyết khi có tranh chấp. Cần kịp thời có hướng dẫn sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật nhằm nâng cao hiệu quả thi hành của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tòa án nhân dân tối cao bổ sung Thư ký giúp việc cho hoạt động Hòa giải, đối thoại; Tăng cường nhiều hơn công tác tập huấn nghiệp vụ cho Hòa giải viên, Thẩm phán, Thư ký để nâng cao kỹ năng hòa giải, kỹ năng lập biên bản, ban hành quyết định đúng quy định pháp luật.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực cùng những kết quả bước đầu đạt được của các Tòa án. Chia sẻ với những khó khăn, ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, để triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hiệu quả hơn, đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh yêu cầu các Tòa, Phòng Tòa án nhân dân tỉnh và các đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trên các kênh thông tin đại chúng, giúp người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc hòa giải, đối thoại và đưa Luật thực sự đi vào cuộc sống, trở thành phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tốt nhất, hiệu quả nhất trong đời sống, xã hội. Đặc biệt, trong quá trình nhận và xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, chú trọng tuyên truyền Luật cho người khởi kiện, người yêu cầu. Tòa án nhân dân hai cấp và giữa các đơn vị Tòa án cấp huyện với nhau thường xuyên trao đổi nghiệp vụ để tạo điều kiện cho Thẩm phán, Thư ký, Hòa giải viên nắm chắc các quy định pháp luật; đặc biệt là kỹ năng hòa giải các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Tòa án nhân dân tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra đối với cấp huyện trong việc triển khai, thực hiện Luật, để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại cũng như đảm bảo tiến độ công tác triển khai thi hành Luật được kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các đơn vị, Thẩm phán, Hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, có hình thức xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân vi phạm trong hoạt động hòa giải, đối thoại.

Một số hình ảnh tại hội nghị:

image

Điểm cầu trung tâm tại Tòa án nhân dân tỉnh

image

Hình ảnh các điểm cầu cấp huyện

image

Điểm cầu Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch phát biểu tham luận

Việt Hùng-TAND tỉnh


Các tin khác

Lượt xem: 567
cdscv